Cuộc thi tác phẩm phóng sự PT-TH về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân

Phóng sự dự thi phải bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị, có tính phát hiện.

 

THỂ LỆ CUỘC THI TÁC PHẨM PHÓNG SỰ PT-TH VỀ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN

(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 1235/KH-BYT ngày 28/10/2019 của Bộ Y tế)

 

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi Cuộc thi

Cuộc thi tác phẩm phóng sự phát thanh, truyền hình về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân (sau đây gọi tắt là Cuộc thi) do Bộ Y tế phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức để phát hiện, lựa chọn, trao giải cho các phóng sự phát thanh, phóng sự truyền hình xuất sắc về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, được đăng, phát trên các cơ quan thông tấn báo chí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

Điều 2. Mục đích và ý nghĩa

- Tăng cường tuyên truyền về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về Công tác dân số trong tình hình mới; Kế hoạch phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016-2020.

Phát hiện các phóng sự phát thanh, truyền hình xuất sắc về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân để giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người dân và dư luận xã hội; đồng thời ghi nhận, cổ vũ động viên các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên và các tác giả... tiếp tục đồng hành trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

- Giới thiệu, quảng bá những kết quả, thành tựu của công tác y tế, các  tiến bộ y học trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhằm tạo niềm tin, sự ủng hộ và chủ động tham gia của nhân dân, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của y tế Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Điều 3. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Thể lệ này quy định về tên gọi, mục đích, ý nghĩa, tiêu chuẩn, điều kiện, thể loại, tiêu chí xét chọn, cơ cấu giải thưởng, hồ sơ, quy trình, thủ tục, Hội đồng chấm giải, cách thức tổ chức Cuộc thi.

2. Công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, có phóng sự tác phẩm phù hợp với các quy định của Cuộc thi đều có quyền gửi phóng sự tham dự Cuộc thi.

3. Phóng sự/chùm phóng sự (sau đây gọi chung là phóng sự) tham dự Cuộc thi phải được phát trên các cơ quan thông tấn báo chí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép và bảo đảm đúng các quy định của Thể lệ này, không vi phạm bản quyền và chưa tham gia bất cứ một cuộc thi nào trước đây.

 

CHƯƠNG II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Quy định về tác giả, số lượng phóng sự tham dự

1. Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả được gửi tối đa 03 phóng sự phù hợp với quy định của Cuộc thi.

2. Mỗi nhóm tác giả đứng tên dự thi không quá 5 người.

3. Tác giả có phóng sự dự thi không được vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật hiện hành.

4. Thành viên Ban Tổ chức, Tổ Thư ký giúp việc và Hội đồng chấm giải không tham dự Cuộc thi.

Điều 5. Tiêu chí xét trao giải

1. Tiêu chí chung

a. Phóng sự dự thi được thể hiện bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc được dịch ra tiếng Việt), được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/12/2019, đáp ứng các quy định của Thể lệ.

b. Phóng sự dự thi phải bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị, có tính phát hiện; phương pháp thể hiện sáng tạo, hấp dẫn.

c. Không xét loạt phóng sự ghép từ những phóng sự độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ, công bố ở các thời điểm khác nhau, không có tên loạt phóng sự.

d. Các loại hình và thể loại báo chí được xét trao giải Cuộc thi:

- Loại hình: Phát thanh và Truyền hình.

- Thể loại: Phóng sự.

(Không nhận các audio clip, video clip phát trên báo điện tử)

e. Phóng sự dự Cuộc thi phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền. Ban tổ chức không hoàn trả phóng sự dự cuộc thi và được quyền sử dụng phóng sự đoạt giải để tuyên truyền.

2. Tiêu chí riêng đối với từng loại hình phóng sự

a. Phóng sự phát thanh

- Mỗi phóng sự phải là một hoặc một loạt phóng sự (không quá 05 phóng sự) về cùng một chủ đề.

- Phóng sự phải thể hiện được đặc trưng của báo nói là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn. Thời lượng: tối đa 15 phút/phóng sự.

b. Phóng sự Truyền hình

- Mỗi phóng sự phải là một hoặc một loạt phóng sự (không quá 05 phóng sự) về cùng một chủ đề.

- Phóng sự phải thể hiện được đặc trưng của báo hình; Kỹ thuật hình ảnh, âm thanh, phải đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Thời lượng: tối đa 15 phút/phóng sự.

Điều 6. Cơ cấu giải thưởng và hình thức khen thưởng

1. Cơ cấu giải

- Giải thưởng Cuộc thi gồm các loại giải Nhất, Nhì, Ba và Giải Khuyến khích, giải phụ của Ban tổ chức và nhà tài trợ, được trao cho các phóng sự xuất sắc thuộc các loại hình phóng sự.

- Tổng số Giải thưởng của Cuộc thi: 02 giải Nhất; 04 giải Nhì; 06 giải Ba; 10 giải Khuyến khích, bao gồm:

* Giải thưởng loại hình Phóng sự truyền hình: 01 giải nhất; 02 giải nhì; 03 giải ba; 05 giải khuyến khích; các giải phụ của Ban tổ chức và nhà tài trợ.

* Giải thưởng loại hình Phóng sự phát thanh: 01 giải nhất; 02 giải nhì; 03 giải ba; 05 giải khuyến khích; các giải phụ của Ban tổ chức và nhà tài trợ.

- Lưu ý: việc lựa chọn phóng sự xuất sắc để trao giải không nhất thiết phải đủ số lượng theo cơ cấu giải.

2. Hình thức khen thưởng

- Ban Tổ chức tặng Quyết định khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Y tế và giấy chứng nhận kèm theo tiền thưởng đối với mỗi giải thưởng.

Điều 7. Ban Tổ chức Cuộc thi

1. Ban Tổ chức Cuộc thi và Tổ Thư ký giúp việc do Bộ Trưởng Bộ Y tế ra quyết định thành lập, bao gồm thành viên là Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo và chuyên viên các Vụ Cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Lãnh đạo và Cán bộ của Hội Nhà báo Việt Nam. Ban Tổ chức có nhiệm vụ thành lập Hội đồng chấm Giải, và tổ chức các hoạt động liên quan đến Cuộc thi.

2. Ban Tổ chức được sử dụng con dấu của Bộ Y tế và con dấu của Hội Nhà báo Việt Nam trong quá trình hoạt động.

3. Ban Tổ chức được quyền sử dụng phóng sự đoạt giải để phục vụ công tác tuyên truyền.

Điều 8. Cơ quan thường trực Cuộc thi

Cơ quan thường trực Cuộc thi là Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng - Bộ Y tế và Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam.

Điều 9. Hội đồng Giám khảo

1. Hội đồng Giám khảo do Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi ra quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của cơ quan thường trực Cuộc thi.

2. Giúp việc cho Hội đồng giám khảo có Tổ Thư ký giúp việc do Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi ra quyết định thành lập.

3. Quy chế chấm giải do Hội đồng Giám khảo ban hành.

4. Các phóng sự tham dự sẽ được Hội đồng Giám khảo xem xét, đánh giá, thẩm định và lựa chọn những phóng sự xuất sắc nhất trình Ban Tổ chức Cuộc thi quyết định trao giải.

Điều 10. Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi

Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi tiến hành vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2020).

Điều 11: Hồ sơ tham dự Cuộc thi

1. Về tác giả

Thông tin về tác giả gồm: Họ và tên, bút danh (nếu có), địa chỉ hiện tại hoặc đơn vị công tác, số điện thoại, E-mail.

2. Về phóng sự

a. Mỗi phóng sự dự Cuộc thi phải sao, chụp làm 02 bộ (ghi rõ đã phát trên đài nào, thời gian phát, kèm giới thiệu khái quát về phóng sự (loại hình, nội dung chính, nêu bật tính phát hiện, sức lan tỏa, hấp dẫn, hiệu quả xã hội… của phóng sự) và bảo đảm các yêu cầu sau:

- Đối với tác phẩm phát thanh: ghi lên đĩa DVD/USB/Ổ cứng, mỗi đĩa chỉ ghi 01 phóng sự và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên phóng sự, tác giả, thời lượng và thời gian phát sóng, kèm theo văn bản phần lời của phóng sự. Nếu là tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng Việt.

- Đối với tác phẩm truyền hình: ghi lên đĩa DVD/USB/Ổ cứng, mỗi đĩa chỉ ghi 01 phóng sự và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên phóng sự, tác giả, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo bản thuyết minh. Nếu là phóng sự truyền hình tiếng dân tộc phải có phụ đề tiếng Việt.

b. Những phóng sự không đáp ứng các quy định nêu trên bị coi là phạm quy (bị loại).

3. Thời gian, địa chỉ nhận tác phẩm

a. Thời gian

- Thời gian nhận tác phẩm tham dự Cuộc thi: từ ngày 05/11/2019 đến 17h00 ngày 15/01/2020 (theo dấu bưu điện).

b. Địa chỉ nhận tác phẩm

Các tác phẩm tham dự cuộc thi được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến 1 trong 2 địa chỉ sau đây:

1. Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng - Bộ Y tế, Số 138A, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 024.6282.7979, Chuyên viên Bùi Thị Minh Thư, điện thoại 0888555959.

2. Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam, số 59 Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 0243.9351.071, điện thoại di động: 098.675.6202 (Đ/c Vũ Thị Nhung – Chuyên viên Ban Nghiệp vụ)

Đối với Hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Hồ sơ tham dự “Cuộc thi tác phẩm phóng sự phát thanh, truyền hình về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”. Ban Tổ chức Cuộc thi không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự Cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Điều 13. Sử dụng các tác phẩm dự Cuộc thi

 - Cuộc thi tác phẩm phóng sự phát thanh, truyền hình về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân không nhằm mục đích kinh doanh.

- Ban Tổ chức được quyền sử dụng các phóng sự để phục vụ công tác tuyên truyền. Phóng sự đạt Giải và phóng sự dự thi không trả lại tác giả.   

- Bản quyền phóng sự thuộc về tác giả. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm về những tranh chấp quyền tác giả và quyền liên quan.

Điều 14. Trách nhiệm của Tác giả

- Thực hiện đúng thể lệ Cuộc thi, việc tác giả gửi phóng sự tham gia dự thi coi như chấp thuận mọi quy định trong thể lệ Cuộc thi.

- Chịu trách nhiệm về quyền tác giả, quyền liên quan và thuế thu nhập (tiền Giải thưởng) theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét, tặng giải và những vi phạm quy định, trình tự, thủ tục xét, tặng giải. Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ và lý do khiếu nại và gửi cho Cơ quan thường trực Cuộc thi.

Cơ quan thường trực có trách nhiệm xem xét và trả lời đơn khiếu nại, báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại lên Ban Tổ chức Cuộc thi. Không xem xét đơn không có tên, địa chỉ không rõ ràng hoặc mạo danh.

2. Phóng sự tham dự Cuộc thi nếu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, các quy định của Nhà nước có liên quan và Thể lệ này, Ban Tổ chức sẽ thu hồi giải thưởng, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành./.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

 

Bình luận

    Chưa có bình luận